Ô nhiễm tiếng ồn (noise pollution hoặc noise disturbance) là tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho người hoặc động vật. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ tự nhiên, có những nguyên nhân xuất phát từ con người, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người tạo ra.
1. Sự cần thiết của việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn
Tiếng ồn (noise) là những âm thanh không mong muốn, gây khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng tới quá trình làm việc và nghỉ ngơi. Ô nhiễm tiếng ồn (noise pollution hoặc noise disturbance) là tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho người hoặc động vật. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ tự nhiên, có những nguyên nhân xuất phát từ con người, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người tạo ra.
Nguồn gốc gây ô nhiễm tiếng ồn có thể chia thành hai nhóm gồm ô nhiễm tiếng ồn do nguồn gốc tự nhiên và ô nhiễm tiếng ồn do nguồn gốc nhân tạo. Đối với nguồn gốc tự nhiên, ô nhiễm tiếng ồn thường phát sinh do hoạt động của núi lửa, động đất, sấm sét, tuy nhiên, đây chỉ là một nguyên nhân thứ yếu, chỉ khi nào có núi lửa, động đất hay mưa bão thì lúc đó mới có ô nhiễm về tiếng ồn; mặt khác, đây không phải là nguyên nhân có tính chu kỳ mà nó xảy ra một cách ngẫu nhiên. Đối với nguồn gốc nhân tạo, đây được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng ô nhiễm tiếng ồn. Hiện nay, phương tiện giao thông đang ngày càng tăng, mật độ xe lưu thông trên đường phố ngày càng lớn, gây ô nhiễm về tiếng ồn do tiếng của động cơ, tiếng còi cũng như tiếng phanh xe. Ở Việt Nam, số lượng phương tiện kém chất lượng lưu thông trên đường phố khá nhiều đã tạo nên sự ô nhiễm về tiếng ồn đáng kể. Máy bay cũng là một nguồn gây ô nhiễm không thể bỏ qua, lúc máy bay cất cánh hoặc hạ cánh là lúc mà các hộ dân sống gần sân bay phải chịu một tần số âm thanh không nhỏ. Hơn nữa, việc sử dụng các loại máy móc trong xây dựng là khá phổ biến, đây là một nguồn góp phần gây ô nhiễm tiếng ồn không nhỏ. Trong sinh hoạt, việc bật máy nghe nhạc quá lớn cũng tác động không nhỏ đến thính giác của người xung quanh, nhất là trong các vũ trường hay quán bar, đây là nguồn gây ô nhiễm được xem là khó xử lý nhất và chỉ dựa vào ý thức của người dân là chủ yếu.
Việc xuất hiện tiếng ồn trong môi trường gây ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường, xâm phạm đến quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn có khả năng tác động tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Theo đó, ô nhiễm tiếng ồn gây ra những tác hại cho cơ thể bao gồm giảm thính lực, cao huyết áp, tim mạch, các bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, thay đổi chức năng miễn dịch, dị dạng thai nhi, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, thậm chí tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chứng minh, có sự liên hệ giữa cao huyết áp và sự tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn khoảng 67-70 dB[1]. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, âm lượng trên 50 dB vào ban đêm cũng có thể gây nhồi máu cơ tim do cơ thể sản xuất quá nhiều và liên tục cortisol, những âm thanh từ động cơ xe và tiếng còi xe làm co mạch máu khiến huyết áp tăng lên[2]. Tác động của tiếng ồn lên các bộ phận cơ thể là rất lớn, tiếng ồn có thể tác động đến tai, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác. Đối với cơ quan thính giác, tiếng ồn làm giảm độ nhạy cảm, tăng ngưỡng nghe, ảnh hưởng đến quá trình làm việc và an toàn. Đối với hệ thần kinh trung ương, tiếng ồn gây kích thích hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến não bộ gây đau đầu, chóng mặt, sợ hãi, giận dữ vô cớ. Đối với tim mạch, tiếng ồn làm rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng tới sự hoạt động bình thường của tuần hoàn máu, làm tăng huyết áp. Đối với dạ dày, tiếng ồn làm rối loạn quá trình tiết dịch, tăng axit trong dạ dày, làm rối loạn sự co bóp, gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, tiếng ồn còn có thể làm dị dạng thai nhi, hạn chế khả năng học tập của trẻ. Bên cạnh đó, khi trẻ em tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn thì sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng nghe và nói.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng, tác hại mà ô nhiễm tiếng ồn gây ra cho sức khỏe con người là rất lớn, vì vậy, việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn là rất quan trọng và cấp thiết bởi điều này sẽ không chỉ giúp duy trì chất lượng môi trường, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành mà còn giúp bảo vệ kịp thời sức khỏe, tính mạng của người dân trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng như hiện nay.
2. Thực trạng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn tại Việt Nam
Hiện nay, để kiểm soát tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, các cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp luật khác nhau để điều chỉnh về vấn đề này. Một số văn bản tiêu biểu có thể kể đến như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định số 45/2022/NĐ-CP); Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng; Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn (QCVN 26:2010/BTNMT) được ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường… Các văn bản trên đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để phục vụ cho việc kiểm soát tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng ô nhiễm tiếng ồn vẫn còn hiện hữu, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, tại các đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra phổ biến, thường xuyên và nghiêm trọng, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, tình trạng hát karaoke, mở nhạc hết công suất vẫn diễn ra khá phổ biến, khó kiểm soát; tại một số tuyến đường, để thu hút khách hàng, nhiều cơ sở kinh doanh đua nhau sử dụng loa kéo phát các bài quảng cáo, chương trình khuyến mãi từ sáng đến tối[3] ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra cũng rất nghiêm trọng, đặc biệt là tại nhiều cửa hàng thời trang, nhà hàng, quán nhậu, siêu thị điện máy… thường xuyên, liên tục mở nhạc inh ỏi, ồn ào. Nhất là vào thời điểm cận kề những ngày cuối năm cũng là thời điểm nhiều trung tâm điện máy, cửa hàng điện thoại, thời trang… kê loa thùng sát mặt đường phát nhạc, quảng cáo với âm lượng như “tra tấn” người đi đường[4]. Từ thực tiễn nêu trên, có thể thấy rằng, hiện nay, việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn ở nước ta mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả một cách triệt để, điều này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do có thể kể đến là do hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn vẫn còn tồn đọng những vấn đề hạn chế nhất định, điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Một là, hiện nay, các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn còn nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, điều này gây ra nhiều khó khăn cho các chủ thể trong việc tiếp cận, hiểu và áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, các quy định về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn được thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chung chung, chủ yếu mang tính nguyên tắc mà chưa có sự hướng dẫn rõ ràng, điều này khiến các chủ thể trở nên lúng túng và khó khăn trong việc áp dụng các quy định này vào từng tình huống cụ thể trong thực tiễn, dẫn đến rất khó để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của những đối tượng gây ra ô nhiễm tiếng ồn.
Hai là, các quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn chưa bao quát kiểm soát hết các đối tượng có khả năng gây ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Theo quy định, các trường hợp kinh doanh các dịch vụ văn hóa công cộng có sử dụng phương tiện phát âm thanh (bao gồm cho thuê thiết bị, dàn nhạc sống) ngoài việc đăng ký kinh doanh thì phải ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động về giới hạn tiếng ồn (theo QCVN 26:2010/BTNMT) và giờ giấc hoạt động. Cụ thể, cường độ âm thanh không được vượt quá 55 dBA (từ 6 – 21 giờ) và 45 dBA (từ 21 – 6 giờ hôm sau) tại khu vực đặc biệt (khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác) và không vượt quá 70 dBA (từ 6 – 21 giờ) và 55 dBA (từ 21 – 6 giờ hôm sau) tại các khu vực thông thường. Đồng thời, phải bảo đảm sự yên tĩnh chung tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp di quan lễ tang. Thế nhưng, thực tế gần đây đang nổi lên và ngày càng phổ biến loại hình hát karaoke với thùng loa di động, gây ồn không thua kém loa thùng công suất lớn. Nhiều gia đình có điều kiện đã tự trang bị, đầu tư thùng loa công suất lớn, hay dàn karaoke để hát tại nhà. Rất nhiều trường hợp hát bất kể giờ giấc, càng không quan tâm về âm thanh gây ồn ào, ảnh hưởng đến lối xóm, mọi người xung quanh. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này lại không thuộc diện phải kiểm soát về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn giống như các trường hợp kinh doanh các dịch vụ văn hóa công cộng có sử dụng phương tiện phát âm thanh. Chính điều này đã tạo cơ hội cho các đối tượng tận dụng để thực hiện những hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, trong khi đó, các cơ quan chức năng sẽ khó có khả năng để kiểm soát và xử lý được hành vi vi phạm bởi nhóm đối tượng này chưa được điều chỉnh để chịu sự ràng buộc về giới hạn tiếng ồn. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra thường xuyên nhưng việc xử lý thì lại không thể triệt để.
Ba là, mức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn chưa thực sự tạo được tính răng đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, tùy vào từng hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn mà có thể bị cảnh cáo hoặc áp dụng mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng. Bên cạnh đó, còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA hoặc đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA trở lên. Ngoài ra, các hành vi vi phạm gây ô nhiễm tiếng ồn còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm. Về cơ bản, việc quy định đưa ra mức phạt nêu trên là cần thiết bởi điều này sẽ tạo căn cứ, cơ sở phục vụ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì mức xử phạt như hiện nay là chưa thật sự tương xứng với tính chất, mức độ, tác hại mà hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn gây ra cho môi trường, con người. Với số tiền phạt như trên, sẽ chưa đủ sức răn đe và tác động vào hành vi của các chủ thể, dẫn đến hiện tượng các chủ thể sẵn sàng nộp phạt để duy trì hành vi đó, từ đó chưa tạo được tính hiệu quả trong việc ngăn ngừa và xử lý các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn và làm cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn chưa phát huy được tính hiệu quả tối ưu.
Bốn là, quy định về thẩm quyền xử phạt các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong việc xử lý hành vi vi phạm, đặc biệt là về thẩm quyền sử dụng thiết bị đo cường độ âm thanh để xử lý vi phạm tại chỗ. Thực tế, để biết cường độ âm thanh có vượt quá mức quy định hay không thì không phải ai cũng có thể làm được, muốn có cơ sở tiến hành đo tiếng ồn và lập biên bản xử lý, người sử dụng thiết bị đo âm thanh phải có đủ thẩm quyền. Tuy nhiên, theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP thì mức xử phạt vi phạm về tiếng ồn đang vượt quá thẩm quyền xử phạt của cấp xã, phường, thị trấn nên cũng khó để cho cấp này trực tiếp xử lý. Bên cạnh đó, việc quy định hạn chế thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng tác động đến tính hiệu quả của việc xử lý kịp thời, nhanh chóng các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Bởi hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP thì chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có thẩm quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 3 Điều 4 Nghị định này. Trong khi đó, mức phạt tiền đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn được quy định tại Điều 22 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP thì có thể dao động từ mức 10.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng. Với mức phạt này thì đã vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, như vậy, khi phát hiện các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn thì trong trường hợp này, cấp xã chưa xử lý được ngay mà cần phải đợi chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Điều này kéo dài thời gian xử phạt và tạo cơ hội cho các chủ thể trây ỳ trong việc tuân thủ, chấp hành các yêu cầu đặt ra trong việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn tại Việt Nam
Để khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập nêu trên nhằm góp phần bảo đảm kiểm soát hiệu quả tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Một là, cần nghiên cứu ban hành Luật Kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn. Đây là một giải pháp cần thiết và quan trọng bởi điều này sẽ giúp khắc phục được tình trạng phân tán trong các quy định điều chỉnh về hoạt động kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn như hiện nay. Hơn nữa, việc xây dựng và ban hành một đạo luật chuyên ngành, riêng biệt về vấn đề kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn như đề xuất sẽ giúp cho việc tiếp cận và áp dụng trên thực tế trở nên dễ dàng, từ đó giúp cho việc thực thi pháp luật trở nên khả thi và hiệu quả hơn. Hiện nay, các quy định về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn vẫn còn mang tính chất chung chung, định hướng, chưa cụ thể, rõ ràng, do đó, việc xây dựng một đạo luật riêng biệt sẽ giúp các vấn đề pháp lý về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn được cụ thể hóa một cách đầy đủ, rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, để có thể ban hành một văn bản pháp luật chuyên ngành về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn hiệu quả thì bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật sẵn có của Việt Nam, cũng cần phải tham khảo thêm kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã có luật chuyên ngành về vấn đề này.
Hai là, pháp luật cần bổ sung đối tượng phải ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động về giới hạn tiếng ồn (theo QCVN 26:2010/BTNMT) và giờ giấc hoạt động. Cụ thể, đối tượng cần được bổ sung ở đây là các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động phát sinh tiếng ồn như dùng loa có công suất lớn hoặc dàn karaoke cũng phải tuân thủ chấp hành cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động về giới hạn tiếng ồn như các trường hợp kinh doanh các dịch vụ văn hóa công cộng có sử dụng phương tiện phát âm thanh. Việc bổ sung nhóm đối tượng này là cần thiết bởi điều đó sẽ giúp ngăn chặn được các đối tượng này tận dụng lỗ hổng của pháp luật để thực hiện các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Đồng thời, điều này cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ cơ sở pháp lý để ngăn chặn và xử lý các đối tượng này khi họ có hành vi vi phạm, gây ô nhiễm tiếng ồn.
Ba là, cần quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Hiện nay, mặc dù mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn đã được điều chỉnh theo hướng tăng lên so với trước đây, tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì mức tiền phạt như hiện nay là chưa thực sự đủ sức răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm gây ô nhiễm tiếng ồn. Do đó, việc quy định tăng thêm mức tiền phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm tiếng ồn là cần thiết. Theo đó, mức phạt vi phạm hành chính đưa ra nên gấp đôi với mức phạt được áp dụng như hiện nay là phù hợp, bởi khi mức phạt được tăng gấp đôi so với mức hiện nay sẽ phần nào tác động được vào ý thức và hành vi của các chủ thể vì khi mức phạt tăng lên như đề xuất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến “túi tiền” của các đối tượng, từ đó buộc các đối tượng phải điều chỉnh hành vi của mình theo hướng tích cực nếu không muốn bị xử phạt.
Bốn là, cần mở rộng thẩm quyền ngăn chặn và trực tiếp xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn của cấp xã, phường, thị trấn. Theo đó, pháp luật cần quy định cho cấp xã, phường, thị trấn được phép và có thẩm quyền trong việc sử dụng thiết bị đo cường độ âm thanh để xử lý vi phạm tại chỗ đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Đồng thời, pháp luật cũng cần mở rộng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với các hành vi vi phạm gây ô nhiễm tiếng ồn so với việc giới hạn như hiện nay. Theo quy định pháp luật hiện hành, khả năng áp dụng hình thức phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm tiếng ồn là rất thấp bởi điều này vượt quá phạm vi thẩm quyền xử phạt mà pháp luật cho phép. Điều này đã tạo ra rào cản rất lớn trong việc ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm tiếng ồn trong khi cấp xã, phường, thị trấn là cấp có thể tiếp cận các hành vi vi phạm nhanh nhất. Vì vậy, việc mở rộng thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn là rất cần thiết bởi điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.
ThS. Trần Linh Huân
Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn Luật Tín Thịnh Phát
[1]. Nguyễn Bá Huy Cường, “Tác hại nhiều mặt của tiếng ồn”, https://nld.com.vn/suc-khoe/tac-hai-nhieu-mat-cua-tieng-on-20160421221128203.htm, truy cập ngày 17/10/2022.
[2]. Nguyễn Bá Huy Cường, “Tác hại của tiếng ồn”, https://suckhoedoisong.vn/tac-hai-cua-tieng-on-16943625.htm, truy cập ngày 17/10/2022.
[3]. Đinh Thành Trung, “Báo động tình trạng ô nhiễm tiếng ồn”, https://kinhtedothi.vn/bao-dong-tinh-trang-o-nhiem-tieng-on.html, truy cập ngày 17/10/2022.
[4]. Báo Người lao động, “Ô nhiễm tiếng ồn không thể bó tay”, https://nld.com.vn/ban-doc/o-nhiem-tieng-on-khong-the-bo-tay-20220107202154014.htm, truy cập ngày 17/10/2022.