Nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó với thiên tai vừa là mục tiêu cũng vừa là giải pháp mà tỉnh Điện Biên đã nỗ lực triển khai trong nhiều năm qua. Điều này, nhằm giảm thiểu những tổn thất về người, tài sản của nhân dân, Nhà nước, từng bước xây dựng tỉnh có khả năng quản lý rủi ro thiên tai và cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.
Điện Biên là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, núi cao, sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên tình hình thiên tai diễn ra rất phức tạp và bất thường. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã bị ảnh hưởng của 34 đợt thiên tai gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 537,5 tỷ đồng
Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai, triển khai nhiều phương án, giải pháp cụ thể, để ứng phó kịp thời, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Các cấp, ngành chức năng đã chủ động kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai.
Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền phòng chống thiên tai đến mọi đối tượng trong cộng đồng; xây dựng và nhân rộng mô hình về thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai. Người dân tại khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; mua sắm trang thiết bị, ứng phó thiên tai; sửa chữa, xây dựng nhà mới đảm bảo an toàn trước thiên tai…
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các chính quyền cấp huyện triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”. Hiện nay, 10/10 huyện, thị xã, thành phố đều đã kiện toàn lực lượng xung kích; 129/129 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai.
Ông Lò Văn Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Điện Biên, cho biết: Sẵn sàng ứng phó với thời tiết cực đoan, việc nâng cao năng lực ứng phó của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tại các địa phương là cần thiết, vì kịp thời ứng phó sẽ góp phần giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Trong đó, chú trọng năng lực chỉ huy tại chỗ, tăng cường khả năng dự báo, nhận định tình hình thiên tai để chỉ huy phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Đặc biệt, lực lượng phòng, chống thiên tai tại các cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt tình hình; xác định những đối tượng chịu ảnh hưởng; vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai; khu vực dễ bị chia cắt… Do đó, cần thường xuyên tăng cường kiến thức, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, tổ chức buổi tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân xử trí khi có sự cố thiên tai xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, phát thông báo, cảnh báo cho nhân dân bằng nhiều hình thức. Tăng cường tuyên truyền PCTT thông qua mạng xã hội, trên hệ thống loa thông báo của xã, bản; thực hiện cắm biển cảnh báo các điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để nhân dân chủ động phòng tránh. Các địa phương tổ chức cuộc diễn tập ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu nạn. Thông qua các cuộc diễn tập, kiểm tra được khả năng ứng phó sự cố, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai.
Hoàng Châu
Nguồn: Điện Biên: Nâng cao năng lực phòng chống ứng phó với thiên tai