Rừng gỗ lớn “lá chắn xanh” trong bảo vệ môi trường

Phát triển rừng gỗ lớn góp phần nâng cao giá trị lâm sản, chống xói mòn, rửa trôi đất, là “lá chắn xanh” trong bảo vệ môi trường. Đây cũng là tiền đề để thực hiện chữ “E” trong ESG (các tiêu chuẩn phát triển bền vững)

Những cánh rừng gỗ lớn điển hình

Dẫn chúng tôi đi thăm rừng lim xanh đã gần 30 năm tuổi, bà Vũ Thị Thủy (75 tuổi, thôn Thanh Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh) rơm rớm nước mắt kể về quãng thời gian khó khăn hai vợ chồng bà đã trải qua để có được rừng lim xanh tốt như ngày hôm nay.

Trước đây, nhà đông con với 10 miệng ăn trong gia đình, ông bà chật vật lo chạy ăn từng bữa. Được nhà nước giao đất lâm nghiệp 50 năm, tất cả các hộ trong thôn, trong xã đều khai hoang trồng sắn, ngô rồi sau này là cây keo để lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhưng chồng bà lại nghĩ khác, làm khác.

2.jpg
Bà Vũ Thị Thủy rưng rưng khi nhớ về những ngày hai vợ chồng vất vả trồng và chăm sóc từng cây lim.

Trên diện tích 13 ha được nhà nước giao đất có hai cây lim xanh cổ thụ, hàng năm cây đơm hoa kết trái rồi rụng hạt mọc rất nhiều cây con. Ông động viên vợ cùng các con tỉa các cây nhỏ trồng vào những vị trí trống. Mỗi năm, rừng lim được nhân rộng rồi sau đó phủ kín cả 13 ha. Lúc cây lim còn nhỏ, đều đặn hàng năm cả gia đình tập trung phát quang cây dại, tỉa cành để cây lớn. Công sức chăm sóc rừng lim nhiều vô kể.

Bà Thủy nhớ, năm 1997, gia đình được giao 13 ha đất lâm nghiệp tại thôn Thanh Quang, thời gian sử dụng 50 năm. Lúc nhận đất, trên khoảnh đồi khô cằn, cỏ cây um tùm có 2 cây lim xanh cổ thụ. Hằng năm, hai cây lim đơm hoa, kết trái rụng xuống, cả gia đình lại tải cây con nhân giống. Rừng lim là tâm huyết cả cuộc đời của chồng bà. Cho tới khi ốm đi viện dài ngày, ông vẫn không thôi trăn trở, tỉnh táo đều hỏi thăm các con về tình hình của rừng và dặn dò phải giữ lại bằng mọi giá.

Bà Thủy kể: Thời điểm đầu năm 2000, kinh tế còn rất khó khăn, nhà lại đông con, tôi bàn với chồng chặt lim để trồng sắn, trồng ngô; nhưng ông ấy nhất quyết phải giữ lại và nhân rộng cây lim xanh. Sau này các hộ chuyển sang trồng keo, cứ 5 năm đã cho thu hoạch, nhiều hộ giàu lên, trong khi gia đình mình vẫn chật vật từng bữa ăn. Nhưng động viên thế nào ông ấy cũng nhất quyết phải giữ lại rừng lim. Ông ấy nói mình phải nghĩ khác, làm khác đi, giữ gìn cho đời con, đời cháu.

Trong câu chuyện rơm rớm nước mắt của bà Thủy về rừng lim luôn gắn với hình ảnh người chồng bà hết mực yêu thương. Rừng lim xanh gắn bó với ông bà, đã cùng ông bà trải qua nửa cuộc đời người, ở đó có hình ảnh của vợ chồng bà cùng nhau lao động, trải qua bao nhiêu khó khăn để nuôi các con trưởng thành.

Anh Lê Văn Tươi (35 tuổi, con trai thứ 7 của bà Thủy) cho biết, hồi còn nhỏ, ngoài lúc đi học, anh lại cùng bố mẹ và các anh chị em khác lên đồi cắt tỉa, chăm sóc lim xanh. Mặc cho xung quanh, các hộ dân trồng keo, sắn, phát trọc cả quả đồi, thì anh vẫn thấy bố mẹ mình cần mẫn tỉa từng cành lim, phát từng cây dại. Rừng lim xanh là tâm huyết cả đời của bố mẹ, vì vậy anh nguyện giữ gìn bảo vệ. Với anh, đó cũng là nơi gợi nhớ hình ảnh của bố, người đàn ông cả một đời lam lũ, hi sinh cho gia đình. Và đó cũng là điểm tựa tinh thần để người mẹ già của anh có thêm động lực sống.

1.jpg
Anh Lê Văn Tươi (áo đen) bên rừng lim xanh, nơi gắn bó tuổi thơ của mình cùng lao động với bố mẹ.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Trọng (51 tuổi, thôn Ấp Cũ xã Xuân Thái, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) cũng sở hữu gần 6ha keo có tuổi đời 19 năm. Nếu tính theo giá keo thị trường hiện tại, đồi keo của gia đình có giá trị 2 tỷ đồng.

Ông Trọng cho biết, trước năm 2005, số diện tích trên được gia đình ông trồng keo. Sau 5 năm, gần 6ha keo thời điểm bấy giờ chỉ cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Nhận thấy việc thu hoạch keo sớm không hiệu quả, ông Trọng giữ lại với mục tiêu sẽ bán gỗ chứ không phải nguyên liệu keo băm.

Ông Trọng nhẩm tính, nếu trồng, thu hoạch non, bán keo dăm, trong 18 năm qua, ông trồng được 3 lứa. Mỗi lứa cho thu nhập dao động từ 150 đến 250 triệu đồng/6ha. Tuy nhiên, gia đình ông kiên trì phát triển thành rừng gỗ lớn, đến nay tất cả các cây trong đồi đều có đường kính trên 50cm, sản lượng gỗ tăng khoảng 3 lần. Giá thành cũng cao hơn nhiều lần, khoảng 400 triệu đồng/ha.

3.jpg
Ông Nguyễn Hữu Trọng (áo xanh) bên những cây keo có tuổi đời 19 năm của gia đình.

Theo kinh nghiệm của ông Trọng, trồng rừng keo gỗ lớn chỉ tốn công chăm sóc, đầu tư vào những năm đầu. Sang năm thứ 5, cây không cần chăm sóc nhưng vẫn phát triển nhanh, tán rộng, người trồng không cần phát quang lớp thượng bì. Dưới những tán rừng gỗ lớn có rất nhiều thảm thực vật, tạo độ che phủ, giữ đất, chống xói mòn, giữ mạch nước ngầm rất tốt.

Cần nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn

Đánh giá về ý nghĩa của việc phục hồi, nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn, ông Lương Hồng Sỹ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh cho biết, phát triển cánh rừng gỗ lớn nhằm bảo tồn đa dạng sinh vật, nguồn gen quý hiếm; đảm bảo môi trường xanh, bổ sung chất dinh dưỡng và bảo vệ môi trường tài nguyên đất, nước, hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Giai đoạn 2016-2021 và định hướng đến năm 2030, huyện Như Thanh xây dựng Đề án phát triển rừng gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh tái sinh. Hiện, trên địa bàn huyện này có hơn 3.700 ha rừng trồng gỗ lớn.

Ông Lại Thế Chiến, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Như Thanh cho biết, cùng với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì rừng sản xuất khi triển thành rừng gỗ lớn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, phát triển rừng bền vững. Trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp theo hướng bền vững.

Song việc phát triển rừng gỗ lớn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, một số người dân điều kiện kinh tế khó khăn, không có thu nhập ổn định, không có nguồn vốn tích lũy. Trong một thập kỷ đợi cây lớn, người trồng gặp nhiều rủi ro do thiên tai, biến động của giá cả thị trường, dẫn đến việc phát triển rừng gỗ lớn chưa có sức hút.

4.jpg
Phát triển rừng gỗ lớn góp phần nâng cao giá trị lâm sản, chống xói mòn, rửa trôi đất, là “lá chắn xanh” trong bảo vệ môi trường.

Trao đổi với phóng viên Tài nguyên và Môi trường về phát triển rừng gỗ lớn, ông Nguyễn Đình Thái, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 56.00ha rừng trồng gỗ lớn, tập trung ở các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành,…

Chia sẻ về mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn, ông Thái cho biết phát triển rừng gỗ lớn theo hướng bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm gỗ rừng trồng; thu hút ngoại tệ thông qua sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng.

Theo ông Thái, gần 10 năm thực hiện mô hình rừng gỗ lớn, bên cạnh những giá trị về môi trường, xã hội thì kinh tế lâm nghiệp bước đầu phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh, bền vững. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng là 900 nghìn m3/năm; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2023 ước đạt 2.242 tỷ đồng, tăng trên 800 tỷ đồng so với năm 2015 (lúc chưa thực hiện trồng rừng gỗ lớn).

Ông Thái nhận định, trồng rừng gỗ lớn, theo hướng chất lượng cao là xu hướng phát triển lâm nghiệp, bảo vệ môi trường bền vững; tăng nguồn thu nhập cho người dân. Hướng tới mục tiêu tạo thu nhập cao từ những cánh rừng cho người dân; phát triển rừng bền vững, góp phần chống xói mòn và tạo “lá chắn xanh” trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Đây cũng là tiền đề để thực thi chữ “E” (Environmental – môi trường) trong ESG.

ESG là cụm từ viết tắt bởi Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị). Đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động đến cộng đồng.

Thanh Tâm

Nguồn: Rừng gỗ lớn “lá chắn xanh” trong bảo vệ môi trường

Chia sẻ trên Facebook
Chia sẻ trên Twitter
Email
Print

Bài viết liên quan